Responsive image

Vàng da ở người lớn nguyên nhân do đâu?

Vàng da không phải là bệnh nhưng là dấu hiệu cảnh báo bệnh lý gan mật.Vậy vàng da ở người lớn nguyên nhân do đâu? Biết được chính xác nguyên nhân sẽ giúp người bệnh có cách điều trị hiệu quả, nâng cao chất lượng sống. Bài viết sau đây giải quyết chi tiết các vấn đề như da vàng là bệnh gì hay vàng da có nguy hiểm không, cách điều trị vàng da như thế nào hiệu quả…

Vàng da là gì?

Vàng da là tình trạng da và kết mạc mắt có màu vàng, do nồng độ bilirubin trong máu tăng cao bởi các nguyên nhân bệnh lý gây ra. Màu vàng thường xuất hiện ở kết mạc mắt đầu tiên và mức độ vàng da phụ thuộc vào nồng độ bilirubin trong máu.

Tình trạng vàng da xuất hiện khi nồng độ bilirubin trong máu tăng quá giới hạn bình thường (0,3 đến 0,6 mg/ dL). Nồng độ bilirubin càng cao, da càng có xu hướng đậm màu hơn và chuyển dần sang màu nâu.

Nguyên nhân gây ra vàng da

Vàng da thường là dấu hiệu cảnh báo của bệnh gan mật, bệnh về máu… Nguyên nhân thường từ việc cơ thể sản xuất quá nhiều bilirubin hoặc giảm đào thải bilirubin ở gan, khiến bilirubin lắng đọng tại các mô. Có 4 nhóm nguyên nhân chính gây ra vàng da như sau:

Bệnh liên quan đến hồng cầu (vàng da trước gan):

Tình trạng hồng cầu bị tăng tốc độ phá hủy do bệnh lý khiến bilirubin được sản xuất quá mức so với bình thường và lưu hành trong máu, sẽ khiến các tế bào gan không kịp chuyển hóa lượng lớn bilirubin này, dẫn tới sự tồn đọng bilirubin trong máu gây vàng da.

Các dạng bệnh lý phá hủy hồng cầu gồm có: Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh thiếu men glucose 6-phosphate dehydrogenase, hội chứng tăng ure máu tán huyết, sốt rét hoặc tụ máu ở mô.

Bệnh liên quan đến tế bào gan (Vàng da tại gan):

Đây là nhóm bệnh lý chính gây nên vàng da ở người trưởng thành do tế bào gan bị ảnh hưởng và không thu nhận được bilirubin, bị đào thải và cuối cùng là ứ đọng trong máu. Ngoài ra, việc các tế bào gan bị hủy hoại hoặc giảm số lượng cùng có thể là nguyên nhân tại gan gây tăng nồng độ bilirubin trong máu. Nhóm bệnh liên quan đến tế bào gan bao gồm:

  • Viêm gan cấp là quá trình viêm xảy ra tại gan do virus, vi khuẩn hoặc rượu, thuốc, bệnh tự miễn khiến cho tế bào gan bị hủy hoại;
  • Xơ gan là quá trình mà các tổ chức của gan bị thay thế bằng mô sẹo ảnh hưởng đến chức năng gan một cách từ từ, khó phát hiện nhưng sẽ nặng lên khi chức năng gan tệ hơn. Những nguyên nhân chính gây xơ gan là viêm gan B mạn, viêm gan C mạn, tổn thương gan do rượu hoặc viêm gan tự miễn;
  • Ung thư di căn vào gan cũng cần được nghĩ đến và xếp vào nhóm nguyên nhân tại gan;
  • Một số hội chứng di truyền hiếm gặp sau sinh nhưng cũng có thể gây ra vàng da như hội chứng Crigler-Najjar, hội chứng Dubin-Johnson và Rotor.

Nhóm bệnh liên quan đến ống mật chủ (Vàng da sau gan):

  • Dịch mật chứa bilirubin sẽ được dẫn từ các ống dẫn mật nhỏ trong gan về ống mật chủ, nếu ống mật chủ hẹp hoặc bị nghẽn thì dịch mật sẽ tràn vào máu gây ra vàng da;
  • Sỏi mật là bệnh lý do mật ở dạng dịch tạo sỏi gây ra, thông thường sỏi sẽ hình thành ở túi mật không gây ảnh hưởng gì, tuy nhiên nếu sỏi mật thoát ra khỏi túi mật và kẹt ở ống mật chủ sẽ làm dịch mật không thể vào ruột và thẩm thấu vào máu gây ra vàng da;
  • Ung thư đầu tụy cũng có thể là nguyên nhân gây ra tắc dòng chảy của dịch mật;
  • Viêm tụy cấp gây phù nề dẫn tới tắc dòng chảy của dịch mật cũng sẽ gây vàng da;
  • Hẹp đường dẫn mật: Do biến chứng tạo xơ của viêm gây hẹp tắc đường dẫn mật dẫn tới vàng da;
  • Ung thư túi mật phát triển gây tắc ống mật chủ;
  • Viêm đường mật do các bệnh lý xơ gan tiên phát hay viêm đường mật xơ hóa và một số thuốc làm giảm dòng chảy của dịch mật, đào thải bilirubin gây vàng da.

Nhóm bệnh vàng da do thuốc:

  • Một số thuốc cũng có thể gây vàng da ứ mật hoặc vàng da do viêm gan;
  • Thuốc gây viêm đường dẫn mật cũng dẫn tới tắc mật và vàng da;
  • Thuốc gây trở ngại trong quá trình chuyển hóa trong tế bào gan và đường mật của quá trình tạo, bài tiết mật qua đường ruột cũng gây nên triệu chứng vàng da do các thành phần của mật có bilirubin bị ứ lại trong cơ thể.

Nguyên nhân vàng da được chẩn đoán như thế nào?

Để chẩn đoán ra nguyên nhân vàng da cần dựa vào cả tiền sử, khám thực thể và cận lâm sàng để định hướng chính xác nguyên nhân gây ra.

Tiền sử: Tiền sử để nghi ngờ nguyên nhân vàng da rất quan trọng, ví dụ như bệnh nhân uống nhiều rượu thì nghi ngờ bệnh gan do rượu, bệnh nhân nghiện ma túy thì nghi viêm gan do virus hoặc bệnh nhân có dùng thuốc thì nghi ngờ vàng da do thuốc, bệnh nhân đau bụng từng cơn nghi ngờ tắc đường mật do sỏi.

Khám thực thể: Khám thực thể cần khám toàn diện, tuy nhiên chú ý khám bụng. U ổ bụng gợi ý vàng da do ung thư thâm nhiễm gan do di căn. Gan cứng sẽ nghĩ nhiều đến xơ gan, gan cứng kèm nhiều nốt thì gợi ý ung thư gan.

Cận lâm sàng (xét nghiệm):

  • Định lượng bilirubin máu là xét nghiệm đầu tay để xác định nguyên nhân gây vàng da. Bilirubin gián tiếp tăng đáng kể gợi ý tan máu, men gan tăng gợi ý viêm gan. Xét nghiệm gan khác như alkaline phosphate gợi ý bệnh lý tắc đường mật;
  • Siêu âm bụng là xét nghiệm đơn giản và an toàn để thăm dò các cơ quan trong ổ bụng nhằm phát hiện khối u trong gan hoặc sỏi mật;
  • CT Scanner hữu ích trong phát hiện u gan, tụy và giãn ống mật

Những cách giảm vàng da hiệu quả, phổ biến

Cách chữa vàng da ở người lớn hay trẻ nhỏ đều cần tác động được đến nguyên nhân gây bệnh. Đa phần các giải pháp Tây y hiện nay đều giúp giảm vàng da bằng cách dùng thuốc, chỉ số ít phải phẫu thuật. Vậy người bệnh vàng da uống thuốc gì thì tốt?

  • Với vàng da do viêm gan: Thường được chỉ định dùng thuốc kháng virus hoặc các thuốc chống viêm nhóm steroid.
  • Với vàng da do thiếu máu tan huyết: Trường hợp này thường được chỉ định uống bổ sung sắt hoặc tăng cường các thực phẩm giàu sắt.
  • Với vàng da do thuốc: Phương pháp điều trị chủ yếu là ngừng sử dụng thuốc và/ hoặc thay thuốc khác. Hầu hết các trường hợp da sẽ trở lại bình thường trong vòng một vài tuần, một số ít trường hợp có thể mất vài tháng.
  • Với vàng da do sỏi mật: Điều trị tập trung vào việc loại bỏ sỏi mật, phục hồi và cải thiện chức năng gan mật.

Phụ trách chuyên môn: BS.CKI NGUYỄN MẠNH QUÝ

PHÒNG KHÁM CHẨN ĐOÁN MEDIC SÀI GÒN – 97 HẢI PHÒNG, TP. ĐÀ NẴNG

Xét nghiệm tại Medic Sài gòn

 

TIN XEM NHIỀU NHẤT

chỉ số bao nhiêu thì bị tiểu đường 109535 Lượt xem
Chỉ Số Bao Nhiêu Thì Bị Tiểu Đường – Cách Đo Chính Xác Nhất Bệnh đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm và chiếm tỷ lệ người mắc bệnh cao nhất Việt Nam hiện nay. Nguyên nhân ...
ý nghĩa xét nghiệm huyết học 107889 Lượt xem
Xét nghiệm huyết học là gì? Ý nghĩa của các chỉ số trong xét nghiệm máu Xét nghiệm huyết học là một trong những xét nghiệm được sử dụng nhiều nhất trong các xét nghiệm y khoa. Đóng vai ...
87223 Lượt xem
Đường huyết sau ăn 2 tiếng bao nhiêu là bình thường Chỉ số đường huyết là nồng độ glucose trong máu, nồng độ này thay đổi liên tục trong ngày. Đường huyết là chỉ ...
71959 Lượt xem
Dấu hiệu sớm khi mang thai Mục lục bài viết Những dấu hiệu rất sớm khi mang thai có xuất hiện ở mọi phụ NữThường xuyên đi tiểuChảy máu ...
58522 Lượt xem
DẤU HIỆU NHẬN BIẾT NGỨA DO NHIỄM GIUN SÁN Ngứa do nhiễm giun sán có những biểu hiện giống như các bệnh về da liễu. Việc điều trị và phòng ngừa cần phải ...
37165 Lượt xem
Uống thuốc phơi nhiễm HIV có ảnh hưởng gì không? Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, thuốc điều trị phơi nhiễm HIV có tác dụng phụ rất lớn. Vì vậy, bạn chỉ ...
-->